4 phương pháp định giá sản phẩm phổ biến hiện nay

0
3536
Dinh Gia San Pham
Phương Pháp Định Giá Sản Phẩm

A- Tầm quan trọng của việc định giá sản phẩm

Giá sản phẩm là một trong yếu tố có vai trò quan trọng ở nhiều khía cạnh của doanh nghiệp:

  • Giá là 1 trong 4 công cụ của chiến lược Marketing mix 4Ps của Philip Kotler
  • Giá trên mỗi sản phẩm bán ra yếu tố tác động đến doanh thu của doanh nghiệp.
  • Giá niêm yết của sản phẩm trên thị trường ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của chúng.
  • Giá niêm yết của sản phẩm thể hiện cách doanh nghiệp định vị mình so với các đối thủ trên thị trường.

Như vậy, sự thay đổi về giá của doanh nghiệp sẽ gần như tác động đến mọi mặt của doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp định một mức giá quá thấp cho sản phẩm sẽ gây tổn hại đến doanh thu của doanh nghiệp, cũng như định giá quá cao sẽ làm giảm thiểu khả năng cạnh tranh của sản phẩm so với đối thủ.

Làm thế nào để định giá hợp lý?

Để có thể định một mức giá hợp lý cho sản phẩm/dịch vụ, doanh nghiệp cần phải nắm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến các phương pháp định giá sản phẩm như chi phí, mức độ cạnh tranh, chiến lược định vị, chiến lược giá đã đề ra… từ đó có cơ sở đúng đắn để xác định mức giá phù hợp với mục tiêu chiến lược của công ty.

B- Các yếu tố ảnh hưởng đến phương pháp định giá sản phẩm

Nhìn chung, có tổng cộng 9 yếu tố ảnh hưởng đến việc định giá sản phẩm và các yếu tố đó có thể phân thành 2 nhóm, gồm các yếu tố nội tại/bên trong doanh nghiệp (Chi phí sản xuất, Nguồn lực tài chính, Chiến lược định vị, Chiến lược giá) và các yếu tố ngoại tại/bên ngoài doanh nghiệp (Nền kinh tế, Cầu thị trường, Cạnh tranh, Tài chính của khách hàng mục tiêu, Mùa vụ). Để có thể có một cái nhìn rõ hơn, chúng ta cùng xem qua biểu đồ dưới đây.

Sơ đồ thể hiện các yếu tố ảnh hưởng đến phương pháp định giá định giá sản phẩm

Yeu To Anh Huong Dinh Gia San Pham
Các yếu tố ảnh hưởng đến phương pháp định giá sản phẩm

B.1- Các yếu tố nội tại (bên trong doanh nghiệp) ảnh hưởng đến phương pháp định giá sản phẩm

  1. Chi phí sản xuất

Chi phí sản xuất là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng trực tiếp đến việc định giá của bất kỳ một sản phẩm. Bằng một phép tính đơn giản, chúng ta có thể hình dung được rằng, để doanh nghiệp có thể có lợi nhuận thì giá sản phẩm bán ra phải lớn hơn tổng chi phí để sản xuất ra sản phẩm đó. Chính vì thế, chi phí sản xuất trên mỗi sản phẩm càng lớn thì giá sản phẩm sẽ càng cao và ngược lại.

  1. Nguồn lực tài chính của doanh nghiệp

Một số doanh nghiệp có thể bán sản phẩm với mức giá bằng hoặc thấp hơn chi phí sản xuất trong một khoảng thời gian nhất định với mục tiêu cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần. Để làm được điều đó, buộc doanh nghiệp phải có nguồn tài chính dồi dào. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có nguồn tài chính eo hẹp sẽ không thể áp dụng phương thức này.

Tài chính của doanh nghiệp có được thông qua các nguồn: Vốn từ các thành viên sáng lập công ty, vốn đầu tư từ các cổ đông, chênh lệch giá trị của cổ phiếu, lợi nhuận thu được thông qua hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp có nguồn tài chính càng dồi dào thì sẽ có nhiều sự lựa chọn trong công tác định giá sản phẩm.

  1. Chiến lược định vị sản phẩm

Chiến lược định vị sản phẩm là một trong các yếu tố chiến lược của doanh nghiệp ảnh hưởng đến việc định giá. Bản chất của định vị sản phẩm là công việc xác định mức giá và chất lượng của sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh. Chính vì thế, chiến lược định vị sản phẩm đã phần nào quy định giá sản phẩm/dịch vụ nằm ở một khoảng nào đó trên bản đồ định vị sản phẩm.

  1. Chiến lược giá

Chiến lược giá là yếu tố mang tính chiến lược tiếp theo, ảnh hưởng đến việc định giá sản phẩm trên thị trường. Có nhiều chiến lược giá mà doanh nghiệp có thể áp dụng, mỗi chiến lược giá sẽ tác động đến mức giá của sản phẩm theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, doanh nghiệp áp dụng chiến lược giá hớt ván sữa sẽ định một mức giá cao nhất có thể vào thời điểm sản phẩm vừa được tung ra thị trường. Hay khi áp dụng chiến lược giá phân khúc, doanh nghiệp sẽ phải xác định nhiều mức giá khác nhau cho từng đối tượng khách hàng khác nhau đối với cùng 1 sản phẩm.

B.2- Các yếu tố ngoại tại (bên ngoài doanh nghiệp) ảnh hưởng đến phương pháp định giá sản phẩm

  1. Nền kinh tế

Nền kinh tế của một quốc gia, hay một địa phương tác động đến nhiều mặt trong đời sống vật chất của những cá thể sống trong xã hội đó, trong đó bao gồm giá cả của sản phẩm/dịch vụ trên thị trường. Khi nền kinh tế đi xuống, khả năng chi tiêu của khách hàng cũng bị kéo theo, khiến doanh nghiệp cần có những điều chỉnh về giá sao cho phù hợp với khả năng tài chính của đối tượng khách hàng mục tiêu.

Mặc dù hầu như các quốc gia đều áp dụng mô hình kinh tế thị trường, nhưng đâu đó vẫn còn trường hợp giá của sản phẩm/dịch vụ bị kiểm soát và quy định bởi chính phủ. Hầu hết các trường hợp này rơi và các mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng dầu…

  1. Cầu thị trường

Trong một nền kinh tế thị trường, cầu thị trường là yếu tố vĩ mô tác động đến giá của sản phẩm/dịch vụ lưu hành trên thị trường. Khi lượng cầu tăng so với cung, giá sản phẩm sẽ có xu hướng tăng và ngược lại, khi lượng cầu giảm so với cung, giá sản phẩm cũng sẽ có xu hướng giảm tất yếu.

Trong marketing, cầu thị trường đại diện cho số lượng khách hàng có nhu cầu mà sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp có thể đáp ứng, có khả năng thanh toán và có thể tiếp cận được bởi doanh nghiệp. Khi lượng cầu thị trường có xu hướng tăng cao, doanh nghiệp có thể định giá sản phẩm ở một mức cao hơn so để có thể thu về nhiều lợi nhuận hơn và ngược lại.

  1. Cạnh tranh

Các đối thủ cạnh tranh luôn có những tác động nhất định đối với quá trình định giá sản phẩm của một doanh nghiệp. Hầu hết giá của sản phẩm cùng loại từ đối thủ cạnh tranh luôn được đưa ra để so sánh trong các buổi họp bàn định giá.

Nếu quan sát kỹ, chúng ta có thể nhìn thấy được những cuộc chiến về giá của các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đôi khi, sự thay đổi về giá của một sản phẩm trên thị trường sẽ kéo theo sự thay đổi về giá của những sản phẩm cùng loại cung cấp bởi những doanh nghiệp khác.

  1. Đặc điểm tài chính của khách hàng mục tiêu

Tùy theo đặc điểm tài chính của khách hàng mục tiêu, như thu nhập, nghề nghiệp, gia cảnh… mà doanh nghiệp sẽ xác định mức giá khác nhau cho sản phẩm/dịch vụ. Đối với những sản phẩm/dịch vụ hướng đến đối tượng khách hàng mục tiêu là những người có điều kiện kinh tế khá giả, doanh nghiệp thường định ở mức cao, vì theo đặc điểm tâm lý của nhóm khách hàng này, giá cao chứng tỏ giá trị và chất lượng tố. Ngược lại, các sản phẩm hướng đến những người có điều kiện kinh tế eo hẹp luôn có mức giá thấp để phù hợp với khả năng chi tiêu của họ.

  1. Mùa vụ, lễ, tết, sự kiện

Số lượng và giá của các sản phẩm nông nghiệp đôi khi sẽ bị chi phối bởi yếu tố mùa vụ như măng cụt, bơ, chôm chôm… Thông thường giá của sản phẩm sẽ tăng cao vào những thời điểm trái mùa và giảm mạnh vào thời điểm vào mùa.

Các dịch vụ như du lịch, nghĩ dưỡng, giải trí luôn có xu hướng tăng giá vào những dịp lễ, tết, sự kiện vì tại thời điểm đó lượng nhu cầu tăng cao.

C- 4 phương pháp định giá phổ biến hiện nay

Phương pháp định giá sản phẩm là gì?

Phương pháp định giá phương pháp, cách thức, công thức tính giúp doanh nghiệp xác định mức giá cụ thể của sản phẩm.

Các phương pháp định giá sản phẩm trong marketing

Có 4 phương pháp định giá được sử dụng phổ biến ở các doanh nghiệp, tuy nhiên, nhìn chung những phương pháp này có thể được xếp vào 2 nhóm: NHÓM PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ DỰA TRÊN CHI PHÍ SẢN XUẤT (Phương pháp định giá markup, Phương pháp định giá dựa trên điểm hòa vốn), NHÓM PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ DỰA TRÊN GIÁ TRỊ KHÁCH HÀNG NHẬN ĐƯỢC (Phương pháp định giá theo giá trị sản phẩm/dịch vụ, Phương pháp định giá theo giá trị bổ sung)

C.1- Nhóm phương pháp định giá dựa trên chi phí sản xuất (Cost-based Pricing)

  1. Phương pháp định giá markup (markup pricing/cost-plus pricing) 

Doanh nghiệp sử dụng phương pháp định giá markup sẽ xác định giá bằng cách xác định chi phí sản xuất ra một sản phẩm, sau đó lấy mức chi phí này cộng với một khoảng lợi nhuận trên từng sản phẩm. Để dễ hình dung hơn, chúng ta có thể nhìn vào công thức dưới đây:

Giả sử, doanh nghiệp A tính được rằng tổng chi phí (bao gồm nguyên vật liệu, nhân công, chi phí khác…) để sản xuất ra một chiếc xe đạp là 1 triệu đồng. Sau đó, căn cứ vào tình hình cạnh tranh trên thị trường hiện tại, doanh nghiệp A định mức lợi nhuận (markup) là 2 trăm nghìn đồng và niêm yết giá của mỗi chiết xe đạp là 1,2 triệu đồng.

Trong khi đó một doanh nghiệp B có cùng ngành nghề, sản phẩm và chung thị trường với doanh nghiệp A, cũng tính được tổng chi phí trên mỗi chiếc xe đạp là 1 triệu đồng. Tuy nhiên, nhờ vào tình hình tài chính tốt, doanh nghiệp B muốn tạo lợi thế cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp A nên định mức lợi nhuận (markup) thấp hơn là 1 triệu đồng, và đưa ra mức giá niêm yết là 1,1 triệu đồng.

Trong một số trường hợp khác, con số lợi nhuận (markup) có thể là 0 hoặc là âm, khi doanh nghiệp muốn gia tăng lợi thế cạnh tranh, hay chỉ đơn giản là để thanh lý hàng tồn kho và rút sản phẩm ra thị trường vào giai đoạn cuối của chu kỳ sống

Dinh Gia San Pham Markup

Đây là phương pháp định giá vô cùng phổ biến, được áp dụng ở rất nhiều doanh nghiệp và các cửa hàng nhỏ lẻ trên thế giới. Ưu điểm của phương pháp này là dễ tính, có thể điều chỉnh linh hoạt tùy theo tình hình thị trường và chiến lược của doanh nghiệp, cũng như là có thể dự đoán trước được mức lợi nhuận trên mỗi sản phẩm.

  1. Phương pháp định giá dựa trên điểm hòa vốn (Break-even point pricing) 

Phương pháp định giá dựa trên điểm hòa vốn là phương pháp mà trong đó doanh nghiệp xác định giá của sản phẩm dựa trên mối quan hệ giữa điểm hòa vốn, định phí và biến phí/sản phẩm.

Trước khi đi vào chi tiết của của phương pháp tính, chúng ta cần nắm rõ một số thuật ngữ sau:

  • Điểm hòa vốn: Là số lượng sản phẩm bán ra để có được tổng doanh thu bằng với chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra.
  • Định phí: Là tổng chi phí cố định trong suốt quá trình sản xuất
  • Biến phí/sản phẩm: Là mức chi phí biến động để có thể bán ra được một sản phẩm (Thông thường, doanh nghiệp có thể đặt biến phí/sản phẩm ở mức trung bình, thấp nhất hoặc cao nhất tùy theo tình hình thực tại của mỗi doanh nghiệp)

Doanh nghiệp áp dụng phương pháp này có thể xác định giá của sản phẩm theo 2 hướng:

  • Hướng 1: Ước tính hoặc đặt ra một con số cụ thể làm điểm hòa vốn (mục tiêu), sau đó xác định chi phí cố định để sản xuất một lượng sản phẩm nhất định ra thị trường và ước tính mức biến phí đối một đơn vị sản phẩm và áp dụng theo công thức để tính ra giá sản phẩm:

Dinh Gia Theo Diem Hoa Von

  • Hướng 2 (Ngược lại so với hướng 1): Ước chừng một mức giá sản phẩm trước, rồi sau đó xác định chi phí cố định để sản xuất một lượng sản phẩm nhất định ra thị trường và ước tính mức biến phí đối một đơn vị sản phẩm, áp dụng công thức dưới đây để xác định điểm hòa vốn, sau đó điều chỉnh mức giá đến khi điểm hòa vốn phù hợp với tình hình thực tại của doanh nghiệp và chiến lược kinh doanh đã đề ra

Dinh Gia Theo Diem Hoa Von 2

Theo phương pháp này, sau khi số lượng sản phẩm bán ra đạt đến điểm hòa vốn, doanh nghiệp mới bắt đầu thu về lợi nhuận từ số lượng sản phẩm bán ra vượt ngưỡng điểm hòa vốn.

Phương pháp này thường được áp dụng ở những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa với số lượng lớn và có khả năng kiểm soát chi phí tốt.

C.2- Nhóm phương pháp định giá dựa trên giá trị khách hàng nhận được (Customer value – based Pricing)

  1. Phương pháp định giá theo giá trị sản phẩm/dịch vụ (good-value pricing) 

Phương pháp định giá theo giá trị sản phẩm/dịch vụ hoàn toàn không được tính dựa trên chi phí bỏ ra, mà dựa vào hoàn toàn giá trị mà khách hàng nhận được khi mua sản phẩm/dịch vụ. Như vậy, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào các yếu tố sau để quyết định giá thành sản phẩm:

  • Chất lượng & thiết kế của sản phẩm so với đối thủ cạnh tranh
  • Các tính năng có trong sản phẩm
  • Trải nghiệm sử dụng mà sản phẩm mang lại cho khách hàng
  • Công nghệ có trong sản phẩm so với môi trường công nghệ ở thời điểm hiện tại
  • Giá trị thương hiệu mang lại cùng với sản phẩm
  • Độ khan hiếm của sản phẩm trên thị trường
  1. Phương pháp định giá theo giá trị bổ sung (Value-added pricing) 

Cơ chế của phương pháp định giá này là thông qua việc so sánh giá trị sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp mang lại cho khách hàng so với giá trị trừ sản phẩm/dịch vụ của đối thủ. Trong trường hợp giá trị của sản phẩm mà doanh nghiệp mang lại cao hơn, doanh nghiệp sẽ định một mức giá cao hơn so với sản phẩm của đối thủ, nghĩa là mức chênh lệch về giá sẽ thể hiện sự chênh lệch của giá trị sản phẩm. Trong trường hợp giá trị sản phẩm của doanh nghiệp thấp hơn so với đối thủ, doanh nghiệp sẽ nghiên cứu để bổ sung vào những giá trị sao cho cao hơn so với đối thủ, rồi thực hiện việc định giá tương tự.

Phương pháp định giá này thường được áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp đang áp dụng chiến lược cạnh tranh trực tiếp với một hay nhiều sản phẩm khác của đối thủ trong cùng một phân khúc thị trường, cũng như khẳng định vị thế định vị thương hiệu so với những đối thủ ấy.

Đỗ Thanh Tịnh tổng hợp từ internet.

Đọc thêm: LÀM SAO TẠO ĐƯỢC DÒNG TIỀN MẶT DƯƠNG TRONG TƯƠNG LAI?

 

 

 

3 4 votes
Đánh giá bài viết
Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments